Dự án tiền tỷ ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế

0965 11 0979

0988 33 26 21

Dự án tiền tỷ ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế

Phường Thủy Châu lâu nay được xác định là “điểm nóng” mất an toàn về cháy nổ mùa nắng nóng, do nơi đây tập trung hàng chục hộ kinh doanh phế liệu giữa khu dân cư đông đúc. Với 32 hộ thu mua, tái chế phế liệu, đây là địa bàn tập trung đông nhất trong cả tỉnh về loại hình kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và gây ô nhiễm môi trường này.


Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 1
"Rác" phế liệu tràn ra đường tại Thủy Châu gây mất an toàn giao thông.
Năm 2016, UBND thị xã Hương Thủy giao UBND phường Thủy Châu làm chủ đầu tư dự án khu hạ tầng kỹ thuật diện tích 1,47 ha để di dời các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn, với tổng mức đầu tư 3,155 tỷ đồng.

Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 2
Trạm Y tế phường Thủy Châu thường xuyên bị "rác" phế liệu quây, ảnh hưởng môi trường và công tác khám chữa bệnh.
Từ hơn một năm lại đây, dự án đã hoàn thành, nhưng do vướng Luật đất đai, nên các điểm kinh doanh phế liệu chưa thể chuyển đến khu tập trung. Rác phế liệu tiếp tục 'mắc cạn' trong khu dân cư, thậm chí 'quây' luôn Trạm y tế phường Thủy Châu, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn, ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh.

Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 3
Do không đủ mặt bằng để chứa phế liệu, chủ kinh doanh đã cho tập kết rất nhiều cụm “rác” này lên xung quanh hàng rào trạm y tế, ngay bên đường giao thông công cộng.
Điểm sản xuất kinh doanh này (cơ sở Thủy Cường) chỉ cách Trạm Y tế phường Thủy Châu 50 mét, thậm chí có nơi, phế liệu tập kết phía ngoài hàng rào cách điểm khám bệnh vài bước chân. Hàng ngày, rất nhiều xe cộ vào ra chở phế liệu án ngữ ngay lối vào trạm y tế. Máy thổi nhựa của cơ sở Thủy Cường thường xuyên “tra tấn” người dân xung quanh và bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng tiếng ồn, mùi hôi của phế liệu.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thủy Châu, tiếng ồn từ máy móc, xe cộ chở phế liệu đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là các hoạt động nghiệp vụ như nghe khám tim, phổi; không bảo đảm vô trùng, ô nhiễm không khí...

 VIDEO: "Rác" phế liệu tấn công khu dân cư, "quây" trạm y tế nhiều năm liền (thực hiện: Ngọc Văn)

Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 4
"Rác" phế liệu chỉ cách phòng khám Trạm Y tế Thủy Châu vài bước chân.
Không chỉ gây ô nhiễm, hàng chục cơ sở tập kết phế liệu tại phường Thủy Châu hiện còn là nơi tạo nguy cơ rất cao về mất an toàn cháy nổ, mất an toàn giao thông cả đường sắt lẫn đường bộ do việc tập kết phế liệu tràn ra đường. Ông Vũ Đức Duy, Chủ tịch UBND phường Thủy Châu, cho biết: điểm tập kết, tái chế phế liệu của cơ sở Thủy Cường đã mấy lần xảy ra hỏa hoạn. Bác sĩ Ngọc cũng xác nhận có tình trạng cháy nổ cơ sở kinh doanh phế liệu xảy ra ngay sát tường rào trạm y tế. Đội ngũ y, bác sĩ nơi đây không ít lần vừa làm việc vừa run.

Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 5
Phế liệu chất cao "vượt mặt" hàng rào HTX Nông nghiệp Thủy Châu.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ người dân mong muốn sớm di dời các điểm thu mua, tái chế phế liệu đến điểm kinh doanh tập trung, mà các chủ cơ sở cũng có nguyện vọng được chuyển ra khỏi khu dân cư, nhằm tránh gây những phiền toái và nguy hiểm.

Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 6
Rác chất đống gây ô nhiễm môi trường.
Quá trình làm việc với chính quyền địa phương, nhiều cơ sở đều đồng thuận di dời và cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ khi về khu quy hoạch mới. Tuy nhiên, vào năm 2018, khi dự án khu hạ tầng di dời hộ kinh doanh phế liệu tại Thủy Châu hoàn thành, chuẩn bị giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất có thời hạn theo mục tiêu của dự án thì xuất hiện trở ngại.

Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 7
Nguy cơ cháy nổ vào mùa cao điểm nắng nóng cũng rất cao
Theo ông Vũ Đức Duy, căn cứ Luật Đất đai hiện nay, mọi người đều có thể tham gia đấu giá thuê đất. Như vậy, các cá nhân, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác cũng có thể về tham gia đấu giá. Nếu những người này trúng đấu giá đất thì đương nhiên họ có quyền sử dụng lô khu hoạch. Như vậy, mục đích ban đầu của dự án lập ra để di dân Thủy Châu chuyên kinh doanh phế liệu về khu tập trung sẽ không được thực hiện triệt để.

Dự án ‘mắc cạn’, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế nhiều năm - ảnh 8
Khu quy hoạch tập trung các cơ sở kinh doanh phế liệu ở Thủy Châu lại đang bỏ hoang.
Trước thực tế “khó xử” này, mới đây, ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Sở TN&MT cũng như UBND tỉnh TT-Huế về vấn đề đấu giá đất nhà nước cho thuê có thời hạn tại khu quy hoạch Thủy Châu. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án di dời hộ kinh doanh gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao của phường này vẫn tiếp tục “mắc cạn”, chưa có phương án giải quyết cụ thể.

NGỌC VĂN

Tin khác